CHÀO THÂN ÁI ! BÀI VIẾT, HÌNH ẢNH CỘNG TÁC CHO BẢN TIN : TRƯỜNG CŨ XIN GỬI VỀ ĐỊA CHỈ NHÓM THỰC HIỆN : loplam3@gmail.com

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2009

Thuận

 
Nhờ nhiều đầu mối giúp đỡ mà vẫn không tìm được bạn, dù vậy  chúng tôi vẫn dành tặng Thuận bài  "Rừng chiều" , để nhớ những năm cùng học dưới mái trường và cảm ơn một người  đã thường đem tiếng hát của mình góp vui cho lớp, cho trường...giúp anh em vơi đi nỗi nhớ nhà.


Lâm 3 có hai người thường được yêu cầu. Một là T. với sở trường là những bài ca cách mạng, người kia là Ký Còm với những bản bolero trữ tình .


Năm 1982, đêm giao lưu giữa Đoàn thực tập với Lâm trường Bảo Lộc, T. đã hát bài nầy với tiếng đàn  của Thu .


Giữa rừng thông, sương lạnh, sự yên tĩnh của núi rừng, tiếng hát và tiếng đàn của hai người  đã đi vào tâm hồn chúng tôi .


.Mong là T. nhận được món quà nầy . T. ơi ! khó khăn rồi cũng qua đi. 

Bình Nguyên



Tháng 4 / 2010   đã nối liên lạc được với T. 


Đoàn tụ ***


Rồi thì Thuận cũng trở về với lớp , 
sau những ngày quẩn quanh đâu đó
Một kết thúc vui vẻ  cho hành trình tìm bạn, 
Như người kiếm lá trên rừng đã tìm được chiếc lá diêu bông!


Bạn bè mừng lắm!
Vì rõ ràng bạn còn ở gần tôi.
Và mỗi ngày tôi nhớ bạn không phải là điều vô vọng  


Nhớ bạn nhiều những ngày xưa cũ.
Thương bạn nhiều những năm tháng xa xăm
Giờ đây, bạn về cho đủ  đầy tổ ấm, 
để tiếng cười tiếng nói trong lớp ta đủ cung bậc xa gần


Cỏ cây rừng mấy lần thay lớp, 
sương nắng miệt mài gội tóc thời gian,
Chúng ta đều có những thăng trầm, 
nhưng tim hồng vẫn đập một nhịp ngày nào, 
cho tình bạn của lớp mình muôn thuở 


Điện thoại cùng nhau nhé! 
Mỗi người sẽ có một câu chuyện vui buồn để làm quà cho bạn
Mỗi một người  đoàn tụ là cả một niềm vui
Thuận có thấy không? 

Ngô Tấn Hùng




Thứ Hai, 28 tháng 12, 2009

Thương nhớ

Nguyễn Văn Bình

Hai tháng dài lặng lẽ trôi qua,
Đã đến lúc rời xa vùng đất đỏ.
Để lại nơi đây người em gái nhỏ,
Biệt ly rồi em có buồn không?


Chốn lao lung, rừng núi mênh mông,
Đời lâm nghiệp, anh phải không dừng bước.
Dù trời mưa, lá rừng còn ẩm ướt,
Cánh chim trời cũng không được dừng chân.

Qua đèo, vượt suối, trăm khó, nghìn khăn,
Cũng không thể một lần ngơi nghỉ.
Hạ đã về tiếng ve sầu rên rĩ
Khúc nhạc buồn của chú dế nỉ non

Hoà nhịp cùng nhau trên bước đường mòn
Rồi im lặng và mõi mòn chờ đợi
Ngày tháng trôi qua, thời gian tiếp nối
Sẽ có ngày anh trở lại lối xưa

Thăm vùng đất đỏ sớm nắng, chiều mưa
Có người em nhỏ đón đưa trìu mến

Bưng Riềng – Tháng 6/1982





Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

Luôn nhớ về nhau


 Nguyễn Văn Bình
 

Chúng ta đã bước những bước chân đầu tiên vào đời thật là bỡ ngỡ, chậm chạm và khờ khạo. Thế mà chúng ta lại biết nhau, hiểu nhau, cùng sống bên nhau trong sự yêu thương, đoàn kết lẫn nhau và đã cùng tạo ra biết bao kỷ niệm êm đềm.


Thế rồi, chúng ta lại phải chia tay, mỗi người về một phương trời với sự mời mọc của công danh và tham vọng. Có người thành đạt, cũng có người công danh lận đận, kẻ sang, người giàu và cũng có người đã từ biệt chúng ta mà ra đi về cõi vĩnh hằng, để lại cho bạn bè bao nuối tiếc, nhớ thương. Âu cũng là số phận mà thượng đế đã định sẵn cho mỗi con người…



Cho dù cuộc đời có xảy ra biến cố gì đi nữa, chúng ta cũng đã biết nghĩ về nhau và cho nhau cơ hội gặp gỡ trong sự yêu thương chân thành nhất. Vì thế, chúng ta hãy cố gắng đến với nhau và nói cho nhau nghe những gì bâng khuâng nhất, trăn trở nhất, để bạn bè chúng ta cùng cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ.




Bạn bè chúng ta là những người biết yêu thương và chia sẻ với chúng ta với những tình cảm ngọt ngào nhất. Thời gian không còn nhiều đâu các bạn ạ. Năm nay sẽ khác năm tới, bạn bè chúng ta mỗi năm sẽ ít đi và sẽ đến lúc chúng ta muốn gặp lại nhau để thổ lộ tình cảm của mình, nói với nhau những gì cần nói sẽ không còn cơ hội nữa.


Hãy tìm đến nhau và yêu thương nhau các bạn nhé!



Đôi dòng tâm sự


Những chuyện buồn sẽ thành những kỷ niệm buồn;
Những chuyện vui sẽ thành những kỷ niệm vui.
Cái gì đã qua hãy để cho nó qua.
Cái gì đang đến cứ để cho nó đến.

Không mời mọc và cũng không cần phải chờ đợi.
Nhưng phải vui vẻ đón nhận và chấp nhận nó;
Coi nó như là một phần của cuộc đời ta.

Chúng ta đã có tình bạn và chúng ta hãy gìn giữ và tôn trọng nó.
Hãy sống sao cho đừng có lỗi với bạn bè, nhất là đừng có lỗi với chính mình.
Vì khi đã có lỗi với chính mình thì không còn gì để nói nữa và đó chính là những chuyện buồn nhất trên đời.

Giúp đỡ nhau là việc nên làm, nhưng sự nỗ lực của bản thân mới là điều quan trọng và đó chính là những chuyện vui.

Thời gian trôi qua, có ai đó nói rằng lòng người dễ đổi thay, nhưng có ai thay đổi gì đâu, chỉ có già đi thì có. Nhưng có điều quan trọng là chúng ta đã nhớ về nhau.

Nguyễn Văn Bình


Thứ Hai, 21 tháng 12, 2009

Noel 2009

Một Noel thanh bình nữa lại đến trên quê hương. Thân chúc các bạn : Nga, Đường , Sỹ, Tiến, Phúc Chí, Kỷ, Phương, Lợi , Xuân, Đang, Thời, Lễ có một đêm Giáng Sinh thật ấm áp và hạnh phúc bên người thân.

Bình Nguyên

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2009

Tâm tình của Bình




Từ Khánh Hoà , bạn gửi đến Lâm 3 một lời chúc :

" Tôi mong rằng những gì yêu thương nhất luôn đến với các bạn "

Nguyễn Văn Bình

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2009

Kỷ niệm xưa !


Vậy mà đã hơn 25năm rồi, bạn bè chúng ta chia tay nhau dưới mái trường xưa, chắc hẳn mỗi người đều mang theo biết bao những kỷ niệm buồn vui của tuổi học trò… 

Mình thì nhớ mãi những buổi tối học bài đến khuya, bụng đói đến cồn cào mà cũng chẳng còn một đồng xu dính túi! Đành phải rủ thêm mấy đứa bạn, đi trộm khoai mì của các thầy về ăn! Mà đến nay nhớ lại, thấy cảm giác của vị ngon ngày ấy, còn hơn cả những bữa tiệc với sơn hào hải vị bây giờ…và những buổi ngồi chung trong lớp dưới mái nhà tranh, nắng bụi, mưa dột…


Rồi những lần đi lao động hay thực tập tuy vất vả, nhưng cũng thật hồn nhiên như: ở Tân Rai (Bảo Lộc), Bưng Riềng(Xuyên Mộc), LT Phước Thiện(Long Tòan-Trà Vinh)…Kỷ niệm xưa êm đềm quá, làm mình thêm gợi nhớ…


Khung trời nào miên man về dĩ vãng
Kỷ niệm đưa ta vào cõi mông lung!

Tiếc thật, vì không sắp xếp được thời gian tham dự buổi họp mặt tại Dalat lần này, để được gặp lại bạn bè sau bao nhiêu năm trời xa cách! Nhưng nhìn lại những hình ảnh thân thương ngày nào trên Blog của lớp…thì ôi thôi… Già quá!....

Giật mình nhìn lại qua gương, thì cũng thấy tóc mình nay cũng đã đổi màu quá nhiều rồi! Thời gian đi nhanh quá các bạn nhỉ! …

Thôi thì … hãy sống và chia sẻ với nhau những gì có thể được, trên quãng đường còn lại này các bạn nhé!


Thứ Tư, 9 tháng 12, 2009

Khi mỗi gương mặt là một Hoa Hồng


Sau những lần dự họp lớp, chúng tôi nghiệm ra rằng ước muốn gặp được tất cả  là điều không thể . Lớp thì đông - 71 người- ở rải rác từ miền Trung trở vào  - Mỗi lần họp mặt chỉ có thể biết thêm được vài người mới , năm mình không tham dự thì các bạn lại có mặt.

Được gặp mặt những người cũ đã quá lâu không gặp, được chuyện trò  ôn lại chuyện xưa là niềm hạnh phúc .

Công việc, gia đình và cuộc sống ...cứ lôi kéo chúng mình đi, khi ngoảnh lại nhớ tới bạn , thì có khi đã không kịp nữa. Có những bạn từ khi ra trường chưa được gặp và cũng không kịp gặp nữa ...như ...4 người bạn của chúng ta!!!.


Xác định là không bao giờ gặp đông đủ được, mà thời gian thì không chờ đợi, tuổi tác và bệnh tật đang đuổi theo . Chúng tôi đang sưu tầm bộ hình ảnh  các bạn trong lớp .Trước là để cho chính mình được thấy lại bạn bè và sau đó cho những bạn ở hải ngoại, ở xa vì nhiều lý do, hoàn cảnh không tham dự được các kỳ gặp gỡ .
Để biết những chàng trai, cô gái trẻ trung ngày nào, hiện giờ ra sao , xin  vào click địa chỉ dưới đây :



Bình Nguyên










Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2009

Trao đổi



Các anh, chị và bạn thân mến.

Trong những lần họp lớp , chúng ta đã thực hiện được việc làm ý nghĩa là đã giúp đỡ bạn chúng ta trong lúc khó khăn nhất thời. Qua đó tôi thiết nghĩ có nên chăng trong khi họp lớp , chúng ta quyên góp “ không phân biệt sang, hèn, giàu, nghèo”, mỗi người một ít tùy khả năng, có thể trong bao thư là …… nhưng cũng có thể là bao thư không nếu hoàn cảnh quá eo hẹp, tất cả đều không lưu danh. Số tiền trên được lưu giữ bởi người đăng cai của năm tổ chức.

Tiền quyên góp được dùng vào việc tặng con của các bạn có hoàn cảnh khó khăn, hoặc mẹ góa con côi, chỉ có tiêu chí duy nhất đó là hoàn cảnh kinh tế đang gặp khó khăn rất cần sự góp sức của bạn bè khi các con thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ, THCN.

Với số tiền 2000000$ ; 3000000$ mà chúng ta góp sức lại để có thì nó không là vấn đề gì cả, nhưng nó thật sự giúp các bạn có hoàn cảnh khó khăn trong những lúc cần khoản tiền lớn đóng học phí cho con khi con mình đỗ vào trường ĐH, CĐ, THCN đành phải đi vay , mượn, hoặc cho tạm thời nghỉ chờ năm học sau và nó cũng làm ấm lòng và xoa dịu niềm đau các gia đình bạn bè của chúng ta đã khuất mặt, ít ra con các bạn ấy cũng tự hào “thuở sinh thời đấng sinh thành của mình đã sống tốt và có các bạn luôn quan tâm, đồng cảm với gia đình mình ” là nguồn động viên lớn giúp các cháu vượt qua các khó khăn thử thách.

Huỳnh Thanh Triều

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2009

Tình quê




Có lẽ do được học ở môi trường gian khổ , cộng với sĩ số lớp đông ( gần 70 người ) đã hình thành bản năng “ dân vận” không khác gì người lính, ở mỗi con người của lớp. Giống như hạt giống đang miên trạng chỉ cần gặp lúc trời mưa thì sẽ thức dậy và nảy mầm ngay.
 
Vì thế nên có một Tùng ( Tổ trưởng tổ 2 ), với gương mặt hơi bị hiền, là sinh viên năm thứ 2, chỉ cần vài giờ đi khảo sát và thuyết khách tận xứ Bông Trang “lạ nước lạ cái”, đã có thể làm một việc (mà lẽ ra phải có thầy và địa phương đi theo), kiếm chỗ ở cho hơn 10 bạn cả nam lẫn nữ nhằm hoàn thành trách nhiệm đợt thực tập do thầy giao cho tổ.

Một Hùng “cậu” chân ướt, chân ráo tới Bưng Riềng đã có người chị nhận làm em nuôi, khi bị bệnh phải nằm viện ít ngày tại Xuyên Mộc đã có bà mẹ nuôi ( nuôi con trai cũng bị bệnh nằm viện chung ) , phải khó khăn lắm mới giải quyết êm thắm trước sự chăm sóc của người mẹ và người chị. 
Một Bác Tư Triều ,sau một ngày đi rừng mệt nhọc, thấy 2 chị em ( con chị nuôi của bạn mình) đã hơn 18 giờ rồi mà còn lội bộ về nhà, sợ có gì bất trắc , đã không ngần ngại đưa hai chị em từ Bông Trang về tới Bưng Riềng, rồi ngay lập tức phải đi bộ từng ấy cây số, trên đoạn đường vắng tanh chỉ có ánh trăng làm bạn đường, trở về chổ ở nghỉ ngơi để ngày mai lại tiếp tục đi rừng. Còn rất nhiều con người và các chuyện các bạn đã thực hiện ở các nơi mà chúng tôi đã đi qua không kể hết được.

Thế nên, lớp chúng tôi có số khách đến thăm hơi bị nhiều ở trường lúc bấy giờ mặc dù thời ấy phương tiện đi lại khó khăn không tiện lợi như hiện nay. Khách là người thân trong gia đình đến thăm chỉ là chuyện nhỏ, mà còn có cả các vị khách quen “ thấy có bảnh không nào?” , họ đã thu xếp công ăn việc làm, đến thăm chúng tôi ,cùng san sẻ các bữa cơm đầy gian khó do các chị nuôi nấu cho sinh viên , không chỉ một ngày mà nhiều hơn thế, dù nơi đó chúng tôi chỉ đến một lần và trong thời gian ngắn.

Điều còn nuối tiếc của chúng tôi, đó là đã lỡ các cuộc hẹn , dài có..., ngắn có…..Nhưng dù sao đó vẫn là những kỷ niệm được dấu kín sâu lắng trong tâm hồn của những người trong cuộc.

Huỳnh Thanh Triều


Thư phương xa



Tâm sự của một người bạn xa xứ khi đọc tin về ngày họp mặt


.....Loi nhin hinh that say sua va xuc dong LOP LAM 3 minh ai cung gia dan,phong tran,cac co cac Ba thi dep va len can. Vui, dep, nho, an tuong va chan thanh.


Nguyễn Thành Lợi

Friend 's day


Trần Minh Thu

Dalat-21/11, Trời chiều lòng người hay sao mà không mưa tí nào cả. Nhưng khá lạnh và nhiều gió. Không khí gặp mặt khá nóng…ruột bởi lẽ: có những tên lên Dalat trước một ngày và chỉ còn sống thoi thóp…để đợi những tên lên sau “tiêu diệt” gọn.

Tùng “con” cứ réo mãi: “Sao bi giờ vẫn không thấy? Tao đã có mặt tại Dalat từ ngày 20/11, đã chết đi sống lại mấy lần”. Được biết Trí “trời”, Trí “đất”, Tươi, Thu “ca”, Tùng “con”, Tấn “đơ”, Ngã, Hải Rẫy đã lên trước. Mình cứ nghĩ đi đường ĐaLạt-Nha Trang 135 km thì 9 giờ sáng xuất phát thì 11h30 đến, nhưng giờ chót phải đi lối Phan Rang (Ninh Thuận) nên 15 giờ mới đến nhà Nông Kiệt Dùng. Tưởng rằng minh đến trễ nhất nhưng vẫn kịp lúc với Hòa (Lan), Hồ Nga, Tài “lù” và đến trước cả Đình Sỹ, Lễ, Ngọc Phương, Tâm “địa”, Quốc Oai…

Gặp nhau, những khuôn mặt yêu thương, nhìn nhau, để nhận ra những nét quen thuộc của ngày xưa. Quân “quắn” vẫn quắn như ngày xưa nhưng đầu đã bạc nhiều (chắc lo chơi bời quá), Trí “trời” vừa từ cõi chết trở về (mới trị bệnh xong), Hồ Thị Nga-hơi bị cũ ra nhiều quá, Phạm Thị Xuân-vẫn máu văn nghệ như ngày nào; Hồng Lương- hơi bị béo ra; Trần Văn Ngã-trẻ hơn ngày xưa (hơi vô lý); Tùng “con” vẫn lém lỉnh như ngày nào…Vui nhất vẫn là những trò nghịch ngợm, tếu táo của một thời đi học.

Các bạn ơi! thời gian gặp nhau sao mình vẫn thấy vô cùng ngắn ngủi, vì mỗi một người đều có một công việc khá bộn bề. Nhưng như thế mình vẫn cảm thấy đủ cho một lần gặp. Mặc dù vẫn còn nhiều bạn vì một lý do gì đó chưa đến gặp mặt, như: các bạn ở Đồng Nai (Thế, Kỷ, Bình “chuột”, Vương, Tiến, Đang), ở thành phố Hồ Chí Minh (Thái “saigon”, Mười Nhâm-Lân, Ngân), ở Bình Thuận (Tám, Thời, Hiếu, Thục, Kỹ Sang, Thanh Hùng), ở Ninh Thuận (Thuận, Thanh, Vân), Bình Dương, Bình Phước (Việt, Ký, Lộc), ở Tây Ninh (Ân, Thái, Quang), ở Bà Rịa Vũng Tàu (Tỉnh), miền Tây (Chiêu Phương, Triều, Tòng, Thảo, Tấn Hùng)…Nhưng mình vẫn tưởng tượng ra những khuôn mặt thân thương của các bạn-chắc là vẫn như xưa (cho dù có béo hơn hoặc già hơn).

Sang năm 2010, theo kế hoạch, lớp Lâm 3 sẽ họp mặt tại Phan Thiết, Bình Thuận, có một số bạn dề nghị chúng ta gặp nhau trong mùa Hè. Đó là một đề nghị theo mình rất hợp lý. Đó là thời điểm đẹp trong năm ở biển, điều kiện đưa vợ và các con đi du lịch và họp mặt bạn bè. Mình hy vọng rất nhiều bạn sẽ bố trí thời gian để họp mặt đông đủ hơn.

Dù có đi đâu trên đất nước này, dù có những khó khăn trong cuộc đời này, các bạn ơi! Lâm 3 ngày nào vẫn là một gia đình lớn của mình và của các bạn.

Ghi chú: Ban tổ chức đã điểm danh các bạn tham gia đợt này gồm: Lâm Đồng: Nông Kiệt Dùng, Lý Thái Tân. Khánh Hòa: Minh Thu (con), Văn Bình (đẻ), Kim Hồng (Kinh tế). Ninh Thuận: Hải Rẫy và phu nhân. Bình Thuận: Hồng Lương, Đường. Đồng Nai: Hòa-Lan, Tài “lù”, Quân “quắn”, Ngọc Phương, Phạm Thị Xuân. Bà Rịa Vũng Tàu: Thu “ca” và phu nhân, Trí trời và phu nhân, Lễ, Hồ Thị Nga. TPHCM: Tươi, Tâm “địa”, Quốc Oai. Phú Yên: Tấn “đơ” và phu nhân. Bình Định: Trần Văn Ngã. Tây Ninh: Tùng “con” và phu nhân. Long An: Trí “đất” và tình yêu mới. An Giang: Ngô Đình Sỹ.






























Thứ Hai, 23 tháng 11, 2009

Tâm tình



....Vi cong viec va cung vi....cuoc song nen Thái ko the co mat nhung khi ban be hop mat! tiec that la tiec,hy vong mot luc nao do minh se duoc gap lai tat ca cac ban than yeu.
 
Trang tin cua lop minh theo Thái thi nhu vay la qua OK roi,co le ko can sua gi dau ,ko qua an tuong nhung that la sau sac.Tat ca nhung dong tren do cua cac chien huu that la sau lang va cam dong! Thái nho den tung chi tiet khi chung minh con ngoi chung voi nhau nhung nam kho cuc do!di hoc DH ma cu nhu la...thi hanh nghia vu quan su vay! Ca nam troi ko biet den...mieng thit la gi ca!hom nao sang lam thi ghe qua Tu An hay quan ba Diem de tim them cai gi do an com cho ngon hon!nho lai ma gio van thay nhu co cai gi do ma bay gio ko the nao tim lai duoc!.....

Trần Thành Thái

Cho bạn cho tôi...


Được biết các bạn lớp Lâm 3 của mình đã có đầy đủ thông tin để gặp nhau tại Dalat sau 25 năm xa cách. Buâng khuâng…hồi hộp…khó ngủ vì mình đang tưởng tượng những khuộn mặt thân thương, những khuôn mặt “đã lâu không thấy trên truyền hình” và cả những “người muôn năm cũ” của lớp Lâm 3 xưa.

Mình có dịp đi nhiều, vẫn thường gặp Tùng “con”, Thái “già”, Mười Nhâm (Lân), Tâm “địa”, Tươi, Tám, Huỳnh Hiếu, Hùng “anh hai”, Tấn “đơ”, Trí”trời”, Trí “đất”, Công Vân, Ngọc Thanh…Nhưng còn nhiều người “25 năm chưa hề gặp mặt nhưng vẫn tìm kiếm thông tin về các bạn. Minh đang hình dung Hùng”cậu” có ẻo lả như ngày xưa không? Bình “chuột” có còn chuột nữa không? Hiền Thục đã có cháu ngoại chưa? và nhiều…nhiều câu hỏi mà mình tự đặt ra và không thể có câu trả lời.

25 năm thời gian chưa phải là dài (chỉ mới ¼ thế kỷ), thời gian đó chỉ để một đứa bé sinh ra đời và đã trưởng thành. Thời gian đó đủ để cho mình và các bạn có một cuộc sống hoặc là bình thường hoặc là sóng gió; một gia đình hoặc nhiều gia đình; hoặc đã là ông bà ngoại, ông bà nội..nhưng thời gian đó lại quá ngắn cho những ước mơ thời tuổi trẻ chúng ta đã cố mơ tới là: sau bao nhiêu năm lăn lộn với cuộc đời, hy vọng gằn 70 con người vẫn ngồi lại với nhau, để ôn lại kỷ niệm…để khóc, để cười, để có thể ôm nhau thắm thiết, để xem bạn bè đứa còn đứa mất; để xem ai tóc bạc da mồi. Ta có thể từ bỏ những ngày bon chen vào cuộc đua tranh để lòng mình có thể trải rộng ra cho bạn cho bè. Dù chỉ một ngày, dù chỉ một đêm nhưng vẫn hằn trong lòng mỗi một người bạn của Lâm 3 ngày đó.


Các bạn ơi! mỗi một con người đều có một số phận! Có thể có bạn gặp nhiều may mắn trên bước đường công danh sự nghiệp, những hạnh phúc luôn đến với mình; cũng có người còn lận đận trong cuộc đời này…Mình chỉ mong các bạn hãy gạt hết những gì khó khăn, phức tạp trong cuộc sống hôm nay để sống cho nhau thật vui, thật hết mình với bạn trong ngày gặp mặt.

Mình luôn yêu thương các bạn. Hẹn gặp vào ngày mai nhé!


tmthupctt@gmail.com



Thứ Năm, 19 tháng 11, 2009

Nhớ lắm Lâm 3 ơi !


Mới đó mà đã 25 năm rồi. Tôi có một cảm giác như mới vừa chia tay với bạn bè của Lâm 3. Năm rồi, tôi có vào “Trảng Bom City” và có vào trường cũ của mình thì không thể nhận ra một nét quen thuộc nào nữa.
 
Đâu rồi bạt ngàn “rừng mì”- để đêm đêm những tên sinh viên đói kém có thể nhổ “trộm” vài bụi để no lòng; đâu rồi những quán lá của Bà Điểm, Tư Ân mà những tên “đầu gấu” luôn luôn phải nể sợ (vì nếu cương sẽ không cho “cố sỹ” ); không còn bức tường ranh giới giữa Trường 4 và Trường mình để khi đi phố Trảng Bom phải trèo qua đó!


Các bạn ơi ! kỷ niệm đã qua giờ ôn lại sao cứ ray rứt, cứ thổn thức và …đã làm cho ta không thể nào bình an được. Mình đã kể cho con mình nghe về những ngày mình đã sống 1980-1984 tại nơi ấy, con mình nó cứ nghĩ mình kể chuyện ở một nơi nào trong cổ tích. Có ai nghĩ thời sinh viên là phải học trong hội trường tranh tre, đêm đêm nghe cháy mà giật mình; có ai hiểu đời sinh viên mà lên rừng xuống biển, làm việc như những người công nhân điều tra, trồng rừng, chăm sóc rừng và như một người nông dân chính hiệu (cắt lúa nơi Mộc Hóa)…



Nhưng con tôi và những đứa con các bạn không bao giờ chúng tưởng tượng ra một cuộc sống quá trọn vẹn tình người, tình bạn, tình yêu của gần 70 con người trên mọi miền tổ quốc. Trong một môi trường gian khó, tôi và các bạn vẫn người sáng một niềm tin - một niềm lạc quan không thể hiểu được. Làm sao tôi quên được những trưa hè cháy bỏng da, Minh Thu, Ký Còm, Quang già, Trí trời, Thái già…vẫn hùng hục trên sân bóng chuyền để kiếm chác vài nải chuối bom ở quán Tư Ân ; làm sao quên được những ngày đông giá lạnh nơi núi rừng Tân Rai, Bảo Lộc, đi chơi đêm mà sợ Fulro; rồi những địa danh Bưng Riềng ( Xuyên Mộc), Xuân Sơn ( Châu Thành), Trảng Táo (Xuân Lộc), Thanh Tùng (Tân Phú)…Tôi có lúc ngồi nghĩ lại cũng không thể nghĩ rằng mình có thể vượt qua những gian khổ như vậy.



Ra trường, đi làm đã 25 năm, con cái đã lớn, tóc mình đã bạc nhưng mình vẫn tự hào về những ngày tháng cũ. Khi gặp những anh chị cùng trường, những đàn em khóa sau, họ đều ghi nhận Lâm 3 là đại diện tiêu biểu nhất cho Cao đẳng Lâm nghiệp Đồng Nai. Các bạn biết vì sao không? Vì đó là chất Lâm nghiệp thuần nhất : học giỏi, chơi nhiệt tình, chơi hết mình…Mình rất tự hào vì điều đó. Không ai có thể chê trách điều gì đối với tập thể Lâm 3.


Trong cuộc sống có muôn vàn khó khăn, phức tạp. Khi gặp những điều đó, mình luôn luôn thể hiện một tinh thần, ý chí, nghị lực của những ngày đó. Vì khi nghĩ lại những khó khăn gian khổ của thời sinh viên thì khó khăn hiện tại không có một “nghĩa địa” gì cả. Nghĩ tới tình yêu của những “người cùng khổ” ngày đó, thì những thị phi trong cuộc đời này cũng chưa là gì khiến ta phải suy nghĩ nhiều cả?


Đúng không các bạn thân yêu của tôi ?
Trần Minh Thu
Email : tmthupctt@gmail.com

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2009

Ngày xưa ấy





Xa rồi con đường cát bụi của Trảng Bom ngày nào, giờ đã hai mươi lăm năm. Hai mươi lăm năm rồi một thời để nhớ.

Bưng Riềng, Xuân sơn, Thanh Tùng, biết bao kỷ niệm. Tâm (Tâm địa), Lân (Mười nhâm) thất lạc ở núi rừng Thanh Tùng, Tân Phú làm cả lớp phải một phen hốt vía, những tiếng súng nổ dòn giữa đêm khuya từ khẩu AK như lời gọi dẫn đường nhưng tất cả vẫn vô vọng. May sao trưa hôm sau hai anh chàng đã trở về được nơi đóng quân sau một đêm ngủ nhờ ở một chòi rẫy. Minh Thu sốt rét nằm la liệt trên gác gỗ dưới chân là những chú “be he” không mời mà đến, suốt ngày kêu inh ỏi; Trung Quân sốt rét cấp tính phải vào bệnh viện. Tất cả cũng đều ở Thanh Tùng. Ôi núi rừng Tân Phú sao ác nghiệt thế nhưng mà vẫn bình yên.

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2009

Con của Bạn






Phong lan có 2 loại, một do con người lai tạo đẹp rực rỡ như các loài Vanda, Mokara, Hồ điệp,.v.v..., còn lại là lan rừng đơn sơ, mộc mạc. Sự khác biệt giữa chúng là chỉ lan rừng mới có hương thơm quyến rũ ... Con của các bạn có thể ví như hoa rừng, là thành quả vun trồng, hi sinh của cha mẹ .

Do không có điều kiện nên chúng tôi chỉ mới sưu tầm và giới thiệu được 11 em , là niềm hy vọng và tự hào của Lâm 3 . Mong là trong dòng đời có thể các em gặp và giúp đỡ nhau ...

Để tìm hiểu xin click vào địa chỉ :

http://hoacuarung.blogspot.com/

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2009

Love story



Thời sinh viên đã lùi xa vào quá khứ. Sao những kỷ niệm ngọt ngào đôi chút xót xa vẫn còn hoài như gần lắm, mới đây thôi. Như đêm nay trăng sáng, bất chợt dậy lên một niềm nhớ.

Cơn mưa mùa hạ năm ấy đã đưa mình đến gần nhau. Ánh mắt em trĩu buồn nhìn những hạt mưa qua. Ta vu vơ tiếng ghita bập bùng trong căn phòng vắng. Rồi ta đến gần nhau chia sẻ nỗi niềm. Lời chuyện trò chân thành sưởi ấm lòng em đang lạnh vì nỗi lo dang dở việc học hành. Bấy nhiêu thôi cũng đủ khởi đầu cho chuyện tình hoa mộng thời sinh viên.

Nhớ những tối đội mưa lên giảng đường ôn bài, hai đứa chụm đầu bước dưới mưa. Đôi trái tim yêu còn quá dại khờ để nói lên điều muốn nói. Chỉ tiếng cười khúc khích và cái nắm tay lặng lẽ trao nhau. Nhớ những tối bài vở xong hai đứa thong dong trên sân trường ngập ánh trăng thanh, kể nhau nghe vài câu chuyện vu vơ cũng đủ ấm lòng.

Và nhớ, lúc chia tay về với cuộc mưu sinh bóng em mờ dần sau làn mưa cao nguyên. Ta nghe lòng mình lạnh hơn cơn mưa ngoài trời. Từ đó mình bị cuốn đi trong dòng đời muôn ngả chỉ gặp nhau trong ký ức đẹp của thời sinh viên đến nao lòng.

Hai mươi năm sau mình gặp lại nhau tình cờ như lần đầu vụng về đến với nhau. Khác chăng em đã là mẹ của hai con, ta vẫn là kẻ bộ hành đơn độc trên đường đời bon chen tranh cạnh. Gặp lại nhau nghe kỷ niệm kêu gào nhắc nhớ một thời hoa mộng. Cả em và ta đều hiểu rằng đó chỉ là kỷ niệm. Mà kỷ niệm dẫu có đẹp đến vô cùng thì cũng là những gì thuộc về quá khứ. Hiện chồng xếp lên đó bao nỗi lo cơm áo, gia đình, và ta còn bao mơ ước chưa thành. Nỗi nhớ dù lớn vẫn là ký ức, em và ta còn bao lo toan. Dù biết thế nhưng vẫn không thể chôn đi niềm nhớ như đêm nay dưới trăng ta nhớ…

Nhớ kỷ niệm để nhắc mình đã từng có một kỷ niệm đẹp. Nhớ những cơn mưa, nhớ ánh trăng , nhớ tiếng ghita ngây ngô thuở nào và nhớ … Để nhớ rằng ta có một người bạn thân hơn bạn thân luôn quan tâm đến vui buồn thành bại của ta trên đường đời. Nhớ để nhớ và để sống trách nhiệm hơn với mình và với đời. Phải không em?

QUANG THỌ
(TT online)

Tin nhắn thứ 600



Cuốn sổ nhỏ bạc màu lưu giữ nhiều kỷ niệm -

Em ngồi xếp lại mớ quần áo cũ, chợt bắt gặp quyển sổ nhỏ bạc màu. Tự nhiên lòng nhói đau. Định giả vờ không thấy nhưng không hiểu sao em nhặt nó lên, phủi lớp bụi rồi lật từng trang đọc. Hình ảnh anh cùng những tháng ngày hạnh phúc ùa về...

Mặc dù em đã giấu hết những kỷ vật tình yêu từ lớn đến bé anh tặng em nhưng không hiểu sao cuốn sổ còn sót lại nơi đây. Vô tình hay cố ý, cuốn sổ đã từng lưu giữ những tin nhắn của tụi mình làm em buồn đến thế.
Ngày xưa vì sợ bộ nhớ tin nhắn không lưu hết những lời yêu thương của anh, em bèn nghĩ ra cách ghi hết lại những tin nhắn ấy. Rồi những khi nhớ anh em lấy ra đọc, thấy vui vui. Chỉ mình em biết có sự tồn tại của quyển sổ cùng những tin nhắn ấy…


Tin nhắn số 35 “ Bữa nay mưa quá . Hai thằng định đến nhà hàng xin một chân phục vụ nhưng giờ đành phải hủy. Anh và thằng bạn nấu đỡ hai gói mì dằn bụng chờ mưa tạnh rồi tính tiếp. Ở quê giờ này có mưa không em?”.
Đó là tin nhắn những ngày anh còn trọ học. Một căn gác bé xíu hai người ở chỉ trải được hai chiếc chiếu, dăm món đồ lặt vặt vứt vương vãi.


Em lên thăm, thấy bề bộn quá, phê bình thì anh chỉ gãi đầu nói “Phòng con trai mà” rồi cười hì hì.
Anh bạn cùng phòng cũng cười ngượng. Cả ba bắt tay vào dọn dẹp. Khi mọi thứ đâu ra đó, tụi mình lại xúm xít quanh nồi canh chua cá lóc em nấu, nhìn hai người ăn toát mồ hôi em mới cảm nhận được đời sinh viên xa nhà thiếu thốn đến mức nào. Thấy mình thương anh hơn ngày hôm qua...


Tin nhắn số 107 “Tuần này anh bận rồi chắc không về quê được”.


Tin nhắn số 468 “Em không cần lên thăm anh nữa đâu, anh sắp chuyển chỗ trọ rồi”.
Em thẫn thờ hồi lâu trước những dòng tin như vậy của anh. Cụt ngủn, đôi khi em cứ tưởng của một người xa lạ nào đó gửi nhầm.


Càng ngày tin nhắn trả lời của anh càng ít, chỉ có mình em nhắn rồi mình em tự ghi lại tin nhắn ấy…


Tin nhắn số 600 “ Có lẽ mình nên chia tay”.


Em còn nhớ khi đọc xong em đã khóc rất nhiều. Đó là một lời thăm dò, một lời đề nghị hay một quyết định cuối cùng .Có lẽ anh chỉ cần một phút để nghĩ, một phút để nhắn và một phút để gửi cho em. Ba phút có khi còn là quá nhiều đối với anh…


Anh đã chọn cho cuộc tình dài ba năm của chúng mình một cái kết buồn.

PHƯƠNG QUỲNH
( TT Online )

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2009

Tôi vẽ tranh








Viết xong lá thư gởi Võ Dần, tôi lại ngồi thừ ra, không phải vì mệt mỏi, mà bồi hồi nhớ lại trường xưa bạn cũ . Những cánh chim từ bốn phương trời đã tới đó, làm huyên động đất và người Trảng Bom, đã lưu dấu trong tim những người đi – ở…
Và đã bay đi xây mộng, xây đời!

Thời gian đã qua lâu rồi, hình ảnh xưa giờ bảng lảng như trong khói trong sương. Thôi thì nhớ đâu thì cứ ghi vào đây, rồi sẽ có những người bạn thân yêu bổ sung cho hoàn chỉnh một bức tranh lung linh dĩ vãng.


Xa xa là một vùng mênh mông nước ở Nông trường Lúa Vàng – Mộc Hóa- Long An, lần dã ngoại đầu tiên trong đời sinh viên. Có thực tập gì đâu, đi cắt lúa giúp cho Nông trường thôi. Những cô cậu học trò lần đầu tiên biết thế nào là kỷ luật tập thể và lao động thực sự . Sinh hoạt thật là ấn tượng; Cá nhiều vô kể nhưng chẳng có dụng cụ bắt. Ăn, ở, đi lại, vệ sinh cá nhân quả là ở mức tối thiểu. Nước rút rồi thế mà còn lại ở chân ruộng quá gối, di chuyển ì oạp, lúa cắt thả nổi lêu bêu, cánh đồng chảy tràn mút mắt, không một bóng cây để ta có ý niệm chặng dừng.Thế mà quân số vẫn đầy đủ mới lạ chứ. Chắc tại ngảy đó chưa có khái niệm “trốn trại” và cũng không biết ngỏ đâu để về.



Và một mùa lạnh tê người ở cao nguyên Bảo Lộc, 7 giờ tối đã đốt lửa hơ ấm và tụm năm tụm ba đến gần nửa đêm, 4 giờ sáng phải dậy vì rét! Công việc đầu tiên là chạy lại bếp lửa để …tập thể dục (bài tập ấy đến giờ mình vẫn còn nhớ, lạ thật). Sáng ra nhìn mấy đứa trẻ con nhởn nhơ trong trang phục đơn giản, trời ơi sao chúng hay quá vậy, bọn mình ai cũng tấm tắc khen sức chịu đựng của mấy nhỏ. Mỗi ngày tắm một lần, mỗi lần một phút. Cao nguyên đẹp lắm, đẹp hơn nữa trong mắt người miền Tây như tôi. Gió thơm mùi nhựa thông, suối lung linh hòn cuội, đồi đất chênh vênh với cây cỏ. Có quả sim ăn như trái ổi xá lị mà cái lưỡi nhuộm tím rịm. Có vị đắng chát của những lá chè xanh mà những những người công nhân thích nấu uống. Có nỗi ngỡ ngàng trước cảnh cháy rừng, đất cháy dưới chân, tình yêu thiên nhiên cũng cháy lên từ đấy…. Và hồn tôi bỗng choáng váng vì yêu. Tôi yêu! Yêu thật! Yêu người bạn gái với tình cảm thật thơ ngây và cũng dễ dàng buông trôi. Mối tình đầu mà, cho thơm đời thôi. Dù sao, đến giờ tôi vẫn còn khả năng diễn đạt lại .

Rồi ở Xuân Sơn đi thực tập đào phẫu diện đất. Không biết ông bạn nào đào được một chú nhóc tha về trường. Loanh hoanh thế nào mà hắn đến ở trong phòng mình luôn. Ngày mình đưa nhóc về nơi cũ trả về gia đình, nhóc quì khóc bên suối Hòa Bình xin nhận làm con nuôi và cho đi theo với. Thật khó với trái tim nhẹ dạ! Một cái tát và hai đôi mắt đỏ để kết thúc vấn đề. Nếu có ai đó ở Xuân Sơn cho gởi một lời xin chú nhóc ngày nào tha thứ cho tôi.





Và, kỷ niêm rạt rào ở Bưng Riềng, Xuyên Mộc. Bộ mặt của xã cũng tươm tất ra phết. Hàng quán, nhà đông, người vui, con nít nhiều, tối nào bọn trẻ cũng quây quần đến chơi, phía xa xa là những người lớn. Tha hồ mấy chàng trai cô gái lóp mình chứng tỏ kỹ năng bặt thiệp hoặc tài mọn ( đã có vài người làm rể xứ ấy rồi). Ngại và mắc cở nhất là cái phòng bảo sanh ở ngay chỗ lớp tá túc. Vui thế chứ đi làm mệt chết, đổ mồ hôi với phát cây dọn lối điều tra ( kêu bằng gì giờ quên mất), rách áo phồng tay chứ chẳng chơi, rồi muỗi mòng đỉa vắt. Thấy ái ngại thay cho cánh chị em nhà ta khó lòng xoay sở. Mà ai biểu chọn ngành này làm chi hỏng biết, cực cho chị em mà cũng khổ cho mấy ông trai trong lớp phải nâng cao ý thức nuông chiều. Nhưng bù lại, ở đó lần đầu tiên được biết mùi vị của Gùi, Xoài rừng, Thị, Cám (Trám), biết canh lá Giang, biết nước dây Cam thảo… Ừ, dễ đến 25 năm rồi chưa được thưởng thức lại những món đó, chắc tới vãng đời luôn quá. Rồi được đi tắm biển, kéo lưới với dân chài, nghe nói chỗ đó người ta vượt biên dữ lắm, bởi thế nên có mấy ông bộ đội mặt khó đăm đăm.
Khung cảnh này trong tôi có một khoảng lặng riêng tư…


Cái lớp gì mà đông dễ sợ, có đến 70 người, 6 phòng nam và 1 phòng nữ. Đi học thì kéo một đoàn rồng rắn. Buổi tối xách đèn dầu lên hội trường nào cũng thấy có phe ta, xem TV qua vách liếp nhà các thầy cũng thấy có phe ta.

Con gái không có hoa khôi, thế mà vẫn bị mấy cha lớp khác rinh hết, may mắn đôi ba chàng trai trong lớp còn kéo níu lại được, không thôi lỗ thấu xương. Chắc nhờ chị em ta nói chuyện có tính cách và biết làm ngọn lửa có mùi thơm. Không biết còn biệt tài nào nữa không, mình làm sao biết được. Dù vậy, phe ấy vẫn được bọn trai trong lớp chiều và nể lắm lắm .. .




Các ông tướng nhà ta thì cũng đình đám đủ trò. Buồn buồn đập nồi đập vạt hét toáng lên để ….. thay đổi không khí. Tinh quái là thế chứ cũng lịch lãm ra phết, hình như mỗi phòng đều có một đại diện “thanh lịch” thì phải. Mỗi người mỗi tính cách riêng biệt, sống chan hòa vào nhau tạo nên nhiều điều thú vị riêng có của đời sinh viên kham khổ.
Biết kể chuyện sao cho hết, biết kể tên bạn sao cho đủ. Ký ức dồn dập trôi về, chồng lấn lên nhau- cất cao lên mãi như một tòa lâu đài kỷ niêm nhiều mê cung.
Tôi không dám vẽ ai trong khung cảnh của tôi, e rằng tôi vẽ không nổi bật cái riêng có, lo rằng khi vẽ các bạn, lòng tôi thổn thức mà nhếch nhác bức tranh lòng.


Tranh còn nhiều loang lỗ yêu thương. Mong rằng sẽ có nhiều trái tim hồng đính thêm cho sáng ngời kỷ niệm, để vỗ về những người đã mất, tiếp sức những hoàn cảnh chưa may và làm vui thêm cho những bạn đã có được sự an bình .


Tôi tung tranh lên trời!


Ngô Tấn Hùng





Võ Dần ơi !







Bạn nằm xuống sau một lần đã đến đây, đã vui chơi trong cuộc đời này...
Hôm nay, với một thái độ trân trọng, mình viết thư gởi bạn đây .


Nhớ hồi làm kiểm tra môn Triết học, có một tên làm bài văn của hắn qua hình thức thư gởi bạn, và hắn được các bạn nữ trong lớp đặt cho một biệt danh rất …hữu danh vô thực,”Hùng Cậu”,dù hình tướng của hắn chẳng tương xứng với tên gọi tí nào .


Và hôm nay, hắn lại sử dụng chiêu ấy để trở về kỷ niệm. Nơi có một góc trời vừa thực, vừa thơ. Có những bè bạn ở mọi nơi, lắm tính cách, nhiều hoàn cảnh, đang sôi động học hành và yêu thương nhau trong nhiều bề khó khổ .


Nhớ hồi mới tựu trường, người đầu tiên mà mình gặp là bạn. Bạn đã vui vẻ nhận mình là người cùng lớp, ân cần chỉ dẫn làm thủ tục và nhận phòng . Trong lúc lạ nước lạ cái, trong thâm tâm mình đã rất biết ơn và sẵn sàng kết bạn. Biết bạn là người Đà Lạt, mình lại càng hâm mộ vì địa danh ấy đã vẽ trong trí cậu học trò miền Tây sông nước những khung cảnh tuyệt vời. Thế mà bạn “tố” cho mình một câu sửng sốt: Đeo mắt kính ấy ( lúc gặp mình đang đeo kính râm) giống mấy ông bán bắp rang!!!

Nhớ căn bệnh viêm xoang bất trị đã hành hạ bạn. Mỗi lần bệnh tái phát phải đi chọc xoang là mỗi lần bạn đau mệt và chán nản. Tụi này tò mò hỏi chọc xoang như thế nào, bạn kể mà mình không khỏi rùng mình, lạy Trời đừng lâm vào hoàn cảnh ấy. Bọn mình mỗi đứa an ủi bạn mỗi cách, đều theo kiểu … sinh viên cả : giặt đồ miễn phí, miễn lấy cơm, ưu tiên thức ăn… Chỉ có một điều vui cho căn bệnh của bạn là khi thầy vô tình hỏi “người máu mặt” trong lớp, tất cả đều cười ồ và nhiều cánh tay đã chỉ về bạn, còn bạn thì mặt đỏ thêm và trở nên lúng túng.
Sau này gặp lại, thấy bạn vẫn trong tình trạng cũ và chưa có gia đình, mình không khỏi buồn thầm. Đến bây giờ mình vẫn tự nghĩ rằng con bệnh ấy kéo bạn đi xa .

Nhớ câu nói đầu môi của bạn “Ờ, sao cũng được”. Ngày xưa ghét lắm. Đến nỗi bảo bạn một câu: Tao lấy quần áo mày đi giặt nghe.
- Ờ, sao cũng được.
- Ê, lịch sự tối thiểu đi, nếu không tao bỏ đồ lại
- Ờ, sao cũng được
- …
Sao vô tư lự thế. Những khi cả nhóm tranh luận hay chọn lựa điều gì, nghe câu này (và thường xuyên nghe) bọn mình cụt hứng, nhưng chẳng thằng nào nổi cáu. Lạ nhỉ? Hay ngày xưa chẳng để ý sâu xa? Thật tệ! Sau này mình mới nghĩ ra, đó là một tính cách đơn giản. Một tính cách đơn giản luôn ở trong một tâm hồn khoáng đạt!

Lần đi Đà lạt một mình, mình có ghé qua L. chơi và hỏi tìm bạn. Lần gặp ấy tụi mình vui quá nhỉ! Ban ngày việc ai nấy làm, tối về gặp nhau ở nhà một người bạn để thù tạc với nhau. Những buổi tối không ồn ào mà ấm cúng, không đông mà vui. Vợ chồng chủ nhà lịch thiệp tạo mọi điều kiên cho chúng mình thoải mái (Xin cảm ơn!). Khuya lạnh quá không chịu nổi, mình xin ôm bạn cho ấm. Bạn cười rộng rãi và bảo, tại mày không quen. Sao quen được? Lên đây nhiều lần sẽ quen. Lỡ quên cái cũ rồi sao? Chịu khó chạy qua chạy lại là quen mới mà không quên cũ. Ờ, để tao cắt dán bản đồ tỉnh Tiền Giang gần với Lâm Đồng mới thực hiện được chuyện mày bảo… Những câu thoại vô thưởng vô phạt có thể làm chủ nhà bực mình, nhưng cũng có thể họ cười vì bọn mình sao trẻ con vậy. Riêng mình thấy thật ấm cúng vì đã nói như những ngày xưa chúng ta thường nói như vậy .
Dần ơi!
Lúc này miền Tây đang là mùa nước nổi, những cơn mưa của cơn bão số 9 vẫn rào rạt quanh nhà. Dòng nước sông dẫn từng đoàn lục bình trôi tản mạn. Bong bóng mưa cứ hiện rồi vỡ liên hồi. Phía xa sau cơn mưa, ánh cầu vồng như cánh cổng thiên đường mở ngõ để đón nhận những chiếc bóng vỡ về trời .


Dần của chúng tôi cũng đã về trời sau cuộc dạo chơi ngắn ngủi, còn vương lại cho người thân những kỷ niệm êm đềm.


Hãy ngủ yên! Các bạn Lâm III sẽ còn kể cho bạn nghe những câu chuyện tuyệt vời !
Dần ơi!


Ngày mưa Tiền giang, 01/10/2009


Ngô Tấn Hùng