CHÀO THÂN ÁI ! BÀI VIẾT, HÌNH ẢNH CỘNG TÁC CHO BẢN TIN : TRƯỜNG CŨ XIN GỬI VỀ ĐỊA CHỈ NHÓM THỰC HIỆN : loplam3@gmail.com

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2009

Love story



Thời sinh viên đã lùi xa vào quá khứ. Sao những kỷ niệm ngọt ngào đôi chút xót xa vẫn còn hoài như gần lắm, mới đây thôi. Như đêm nay trăng sáng, bất chợt dậy lên một niềm nhớ.

Cơn mưa mùa hạ năm ấy đã đưa mình đến gần nhau. Ánh mắt em trĩu buồn nhìn những hạt mưa qua. Ta vu vơ tiếng ghita bập bùng trong căn phòng vắng. Rồi ta đến gần nhau chia sẻ nỗi niềm. Lời chuyện trò chân thành sưởi ấm lòng em đang lạnh vì nỗi lo dang dở việc học hành. Bấy nhiêu thôi cũng đủ khởi đầu cho chuyện tình hoa mộng thời sinh viên.

Nhớ những tối đội mưa lên giảng đường ôn bài, hai đứa chụm đầu bước dưới mưa. Đôi trái tim yêu còn quá dại khờ để nói lên điều muốn nói. Chỉ tiếng cười khúc khích và cái nắm tay lặng lẽ trao nhau. Nhớ những tối bài vở xong hai đứa thong dong trên sân trường ngập ánh trăng thanh, kể nhau nghe vài câu chuyện vu vơ cũng đủ ấm lòng.

Và nhớ, lúc chia tay về với cuộc mưu sinh bóng em mờ dần sau làn mưa cao nguyên. Ta nghe lòng mình lạnh hơn cơn mưa ngoài trời. Từ đó mình bị cuốn đi trong dòng đời muôn ngả chỉ gặp nhau trong ký ức đẹp của thời sinh viên đến nao lòng.

Hai mươi năm sau mình gặp lại nhau tình cờ như lần đầu vụng về đến với nhau. Khác chăng em đã là mẹ của hai con, ta vẫn là kẻ bộ hành đơn độc trên đường đời bon chen tranh cạnh. Gặp lại nhau nghe kỷ niệm kêu gào nhắc nhớ một thời hoa mộng. Cả em và ta đều hiểu rằng đó chỉ là kỷ niệm. Mà kỷ niệm dẫu có đẹp đến vô cùng thì cũng là những gì thuộc về quá khứ. Hiện chồng xếp lên đó bao nỗi lo cơm áo, gia đình, và ta còn bao mơ ước chưa thành. Nỗi nhớ dù lớn vẫn là ký ức, em và ta còn bao lo toan. Dù biết thế nhưng vẫn không thể chôn đi niềm nhớ như đêm nay dưới trăng ta nhớ…

Nhớ kỷ niệm để nhắc mình đã từng có một kỷ niệm đẹp. Nhớ những cơn mưa, nhớ ánh trăng , nhớ tiếng ghita ngây ngô thuở nào và nhớ … Để nhớ rằng ta có một người bạn thân hơn bạn thân luôn quan tâm đến vui buồn thành bại của ta trên đường đời. Nhớ để nhớ và để sống trách nhiệm hơn với mình và với đời. Phải không em?

QUANG THỌ
(TT online)

Tin nhắn thứ 600



Cuốn sổ nhỏ bạc màu lưu giữ nhiều kỷ niệm -

Em ngồi xếp lại mớ quần áo cũ, chợt bắt gặp quyển sổ nhỏ bạc màu. Tự nhiên lòng nhói đau. Định giả vờ không thấy nhưng không hiểu sao em nhặt nó lên, phủi lớp bụi rồi lật từng trang đọc. Hình ảnh anh cùng những tháng ngày hạnh phúc ùa về...

Mặc dù em đã giấu hết những kỷ vật tình yêu từ lớn đến bé anh tặng em nhưng không hiểu sao cuốn sổ còn sót lại nơi đây. Vô tình hay cố ý, cuốn sổ đã từng lưu giữ những tin nhắn của tụi mình làm em buồn đến thế.
Ngày xưa vì sợ bộ nhớ tin nhắn không lưu hết những lời yêu thương của anh, em bèn nghĩ ra cách ghi hết lại những tin nhắn ấy. Rồi những khi nhớ anh em lấy ra đọc, thấy vui vui. Chỉ mình em biết có sự tồn tại của quyển sổ cùng những tin nhắn ấy…


Tin nhắn số 35 “ Bữa nay mưa quá . Hai thằng định đến nhà hàng xin một chân phục vụ nhưng giờ đành phải hủy. Anh và thằng bạn nấu đỡ hai gói mì dằn bụng chờ mưa tạnh rồi tính tiếp. Ở quê giờ này có mưa không em?”.
Đó là tin nhắn những ngày anh còn trọ học. Một căn gác bé xíu hai người ở chỉ trải được hai chiếc chiếu, dăm món đồ lặt vặt vứt vương vãi.


Em lên thăm, thấy bề bộn quá, phê bình thì anh chỉ gãi đầu nói “Phòng con trai mà” rồi cười hì hì.
Anh bạn cùng phòng cũng cười ngượng. Cả ba bắt tay vào dọn dẹp. Khi mọi thứ đâu ra đó, tụi mình lại xúm xít quanh nồi canh chua cá lóc em nấu, nhìn hai người ăn toát mồ hôi em mới cảm nhận được đời sinh viên xa nhà thiếu thốn đến mức nào. Thấy mình thương anh hơn ngày hôm qua...


Tin nhắn số 107 “Tuần này anh bận rồi chắc không về quê được”.


Tin nhắn số 468 “Em không cần lên thăm anh nữa đâu, anh sắp chuyển chỗ trọ rồi”.
Em thẫn thờ hồi lâu trước những dòng tin như vậy của anh. Cụt ngủn, đôi khi em cứ tưởng của một người xa lạ nào đó gửi nhầm.


Càng ngày tin nhắn trả lời của anh càng ít, chỉ có mình em nhắn rồi mình em tự ghi lại tin nhắn ấy…


Tin nhắn số 600 “ Có lẽ mình nên chia tay”.


Em còn nhớ khi đọc xong em đã khóc rất nhiều. Đó là một lời thăm dò, một lời đề nghị hay một quyết định cuối cùng .Có lẽ anh chỉ cần một phút để nghĩ, một phút để nhắn và một phút để gửi cho em. Ba phút có khi còn là quá nhiều đối với anh…


Anh đã chọn cho cuộc tình dài ba năm của chúng mình một cái kết buồn.

PHƯƠNG QUỲNH
( TT Online )

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2009

Tôi vẽ tranh








Viết xong lá thư gởi Võ Dần, tôi lại ngồi thừ ra, không phải vì mệt mỏi, mà bồi hồi nhớ lại trường xưa bạn cũ . Những cánh chim từ bốn phương trời đã tới đó, làm huyên động đất và người Trảng Bom, đã lưu dấu trong tim những người đi – ở…
Và đã bay đi xây mộng, xây đời!

Thời gian đã qua lâu rồi, hình ảnh xưa giờ bảng lảng như trong khói trong sương. Thôi thì nhớ đâu thì cứ ghi vào đây, rồi sẽ có những người bạn thân yêu bổ sung cho hoàn chỉnh một bức tranh lung linh dĩ vãng.


Xa xa là một vùng mênh mông nước ở Nông trường Lúa Vàng – Mộc Hóa- Long An, lần dã ngoại đầu tiên trong đời sinh viên. Có thực tập gì đâu, đi cắt lúa giúp cho Nông trường thôi. Những cô cậu học trò lần đầu tiên biết thế nào là kỷ luật tập thể và lao động thực sự . Sinh hoạt thật là ấn tượng; Cá nhiều vô kể nhưng chẳng có dụng cụ bắt. Ăn, ở, đi lại, vệ sinh cá nhân quả là ở mức tối thiểu. Nước rút rồi thế mà còn lại ở chân ruộng quá gối, di chuyển ì oạp, lúa cắt thả nổi lêu bêu, cánh đồng chảy tràn mút mắt, không một bóng cây để ta có ý niệm chặng dừng.Thế mà quân số vẫn đầy đủ mới lạ chứ. Chắc tại ngảy đó chưa có khái niệm “trốn trại” và cũng không biết ngỏ đâu để về.



Và một mùa lạnh tê người ở cao nguyên Bảo Lộc, 7 giờ tối đã đốt lửa hơ ấm và tụm năm tụm ba đến gần nửa đêm, 4 giờ sáng phải dậy vì rét! Công việc đầu tiên là chạy lại bếp lửa để …tập thể dục (bài tập ấy đến giờ mình vẫn còn nhớ, lạ thật). Sáng ra nhìn mấy đứa trẻ con nhởn nhơ trong trang phục đơn giản, trời ơi sao chúng hay quá vậy, bọn mình ai cũng tấm tắc khen sức chịu đựng của mấy nhỏ. Mỗi ngày tắm một lần, mỗi lần một phút. Cao nguyên đẹp lắm, đẹp hơn nữa trong mắt người miền Tây như tôi. Gió thơm mùi nhựa thông, suối lung linh hòn cuội, đồi đất chênh vênh với cây cỏ. Có quả sim ăn như trái ổi xá lị mà cái lưỡi nhuộm tím rịm. Có vị đắng chát của những lá chè xanh mà những những người công nhân thích nấu uống. Có nỗi ngỡ ngàng trước cảnh cháy rừng, đất cháy dưới chân, tình yêu thiên nhiên cũng cháy lên từ đấy…. Và hồn tôi bỗng choáng váng vì yêu. Tôi yêu! Yêu thật! Yêu người bạn gái với tình cảm thật thơ ngây và cũng dễ dàng buông trôi. Mối tình đầu mà, cho thơm đời thôi. Dù sao, đến giờ tôi vẫn còn khả năng diễn đạt lại .

Rồi ở Xuân Sơn đi thực tập đào phẫu diện đất. Không biết ông bạn nào đào được một chú nhóc tha về trường. Loanh hoanh thế nào mà hắn đến ở trong phòng mình luôn. Ngày mình đưa nhóc về nơi cũ trả về gia đình, nhóc quì khóc bên suối Hòa Bình xin nhận làm con nuôi và cho đi theo với. Thật khó với trái tim nhẹ dạ! Một cái tát và hai đôi mắt đỏ để kết thúc vấn đề. Nếu có ai đó ở Xuân Sơn cho gởi một lời xin chú nhóc ngày nào tha thứ cho tôi.





Và, kỷ niêm rạt rào ở Bưng Riềng, Xuyên Mộc. Bộ mặt của xã cũng tươm tất ra phết. Hàng quán, nhà đông, người vui, con nít nhiều, tối nào bọn trẻ cũng quây quần đến chơi, phía xa xa là những người lớn. Tha hồ mấy chàng trai cô gái lóp mình chứng tỏ kỹ năng bặt thiệp hoặc tài mọn ( đã có vài người làm rể xứ ấy rồi). Ngại và mắc cở nhất là cái phòng bảo sanh ở ngay chỗ lớp tá túc. Vui thế chứ đi làm mệt chết, đổ mồ hôi với phát cây dọn lối điều tra ( kêu bằng gì giờ quên mất), rách áo phồng tay chứ chẳng chơi, rồi muỗi mòng đỉa vắt. Thấy ái ngại thay cho cánh chị em nhà ta khó lòng xoay sở. Mà ai biểu chọn ngành này làm chi hỏng biết, cực cho chị em mà cũng khổ cho mấy ông trai trong lớp phải nâng cao ý thức nuông chiều. Nhưng bù lại, ở đó lần đầu tiên được biết mùi vị của Gùi, Xoài rừng, Thị, Cám (Trám), biết canh lá Giang, biết nước dây Cam thảo… Ừ, dễ đến 25 năm rồi chưa được thưởng thức lại những món đó, chắc tới vãng đời luôn quá. Rồi được đi tắm biển, kéo lưới với dân chài, nghe nói chỗ đó người ta vượt biên dữ lắm, bởi thế nên có mấy ông bộ đội mặt khó đăm đăm.
Khung cảnh này trong tôi có một khoảng lặng riêng tư…


Cái lớp gì mà đông dễ sợ, có đến 70 người, 6 phòng nam và 1 phòng nữ. Đi học thì kéo một đoàn rồng rắn. Buổi tối xách đèn dầu lên hội trường nào cũng thấy có phe ta, xem TV qua vách liếp nhà các thầy cũng thấy có phe ta.

Con gái không có hoa khôi, thế mà vẫn bị mấy cha lớp khác rinh hết, may mắn đôi ba chàng trai trong lớp còn kéo níu lại được, không thôi lỗ thấu xương. Chắc nhờ chị em ta nói chuyện có tính cách và biết làm ngọn lửa có mùi thơm. Không biết còn biệt tài nào nữa không, mình làm sao biết được. Dù vậy, phe ấy vẫn được bọn trai trong lớp chiều và nể lắm lắm .. .




Các ông tướng nhà ta thì cũng đình đám đủ trò. Buồn buồn đập nồi đập vạt hét toáng lên để ….. thay đổi không khí. Tinh quái là thế chứ cũng lịch lãm ra phết, hình như mỗi phòng đều có một đại diện “thanh lịch” thì phải. Mỗi người mỗi tính cách riêng biệt, sống chan hòa vào nhau tạo nên nhiều điều thú vị riêng có của đời sinh viên kham khổ.
Biết kể chuyện sao cho hết, biết kể tên bạn sao cho đủ. Ký ức dồn dập trôi về, chồng lấn lên nhau- cất cao lên mãi như một tòa lâu đài kỷ niêm nhiều mê cung.
Tôi không dám vẽ ai trong khung cảnh của tôi, e rằng tôi vẽ không nổi bật cái riêng có, lo rằng khi vẽ các bạn, lòng tôi thổn thức mà nhếch nhác bức tranh lòng.


Tranh còn nhiều loang lỗ yêu thương. Mong rằng sẽ có nhiều trái tim hồng đính thêm cho sáng ngời kỷ niệm, để vỗ về những người đã mất, tiếp sức những hoàn cảnh chưa may và làm vui thêm cho những bạn đã có được sự an bình .


Tôi tung tranh lên trời!


Ngô Tấn Hùng





Võ Dần ơi !







Bạn nằm xuống sau một lần đã đến đây, đã vui chơi trong cuộc đời này...
Hôm nay, với một thái độ trân trọng, mình viết thư gởi bạn đây .


Nhớ hồi làm kiểm tra môn Triết học, có một tên làm bài văn của hắn qua hình thức thư gởi bạn, và hắn được các bạn nữ trong lớp đặt cho một biệt danh rất …hữu danh vô thực,”Hùng Cậu”,dù hình tướng của hắn chẳng tương xứng với tên gọi tí nào .


Và hôm nay, hắn lại sử dụng chiêu ấy để trở về kỷ niệm. Nơi có một góc trời vừa thực, vừa thơ. Có những bè bạn ở mọi nơi, lắm tính cách, nhiều hoàn cảnh, đang sôi động học hành và yêu thương nhau trong nhiều bề khó khổ .


Nhớ hồi mới tựu trường, người đầu tiên mà mình gặp là bạn. Bạn đã vui vẻ nhận mình là người cùng lớp, ân cần chỉ dẫn làm thủ tục và nhận phòng . Trong lúc lạ nước lạ cái, trong thâm tâm mình đã rất biết ơn và sẵn sàng kết bạn. Biết bạn là người Đà Lạt, mình lại càng hâm mộ vì địa danh ấy đã vẽ trong trí cậu học trò miền Tây sông nước những khung cảnh tuyệt vời. Thế mà bạn “tố” cho mình một câu sửng sốt: Đeo mắt kính ấy ( lúc gặp mình đang đeo kính râm) giống mấy ông bán bắp rang!!!

Nhớ căn bệnh viêm xoang bất trị đã hành hạ bạn. Mỗi lần bệnh tái phát phải đi chọc xoang là mỗi lần bạn đau mệt và chán nản. Tụi này tò mò hỏi chọc xoang như thế nào, bạn kể mà mình không khỏi rùng mình, lạy Trời đừng lâm vào hoàn cảnh ấy. Bọn mình mỗi đứa an ủi bạn mỗi cách, đều theo kiểu … sinh viên cả : giặt đồ miễn phí, miễn lấy cơm, ưu tiên thức ăn… Chỉ có một điều vui cho căn bệnh của bạn là khi thầy vô tình hỏi “người máu mặt” trong lớp, tất cả đều cười ồ và nhiều cánh tay đã chỉ về bạn, còn bạn thì mặt đỏ thêm và trở nên lúng túng.
Sau này gặp lại, thấy bạn vẫn trong tình trạng cũ và chưa có gia đình, mình không khỏi buồn thầm. Đến bây giờ mình vẫn tự nghĩ rằng con bệnh ấy kéo bạn đi xa .

Nhớ câu nói đầu môi của bạn “Ờ, sao cũng được”. Ngày xưa ghét lắm. Đến nỗi bảo bạn một câu: Tao lấy quần áo mày đi giặt nghe.
- Ờ, sao cũng được.
- Ê, lịch sự tối thiểu đi, nếu không tao bỏ đồ lại
- Ờ, sao cũng được
- …
Sao vô tư lự thế. Những khi cả nhóm tranh luận hay chọn lựa điều gì, nghe câu này (và thường xuyên nghe) bọn mình cụt hứng, nhưng chẳng thằng nào nổi cáu. Lạ nhỉ? Hay ngày xưa chẳng để ý sâu xa? Thật tệ! Sau này mình mới nghĩ ra, đó là một tính cách đơn giản. Một tính cách đơn giản luôn ở trong một tâm hồn khoáng đạt!

Lần đi Đà lạt một mình, mình có ghé qua L. chơi và hỏi tìm bạn. Lần gặp ấy tụi mình vui quá nhỉ! Ban ngày việc ai nấy làm, tối về gặp nhau ở nhà một người bạn để thù tạc với nhau. Những buổi tối không ồn ào mà ấm cúng, không đông mà vui. Vợ chồng chủ nhà lịch thiệp tạo mọi điều kiên cho chúng mình thoải mái (Xin cảm ơn!). Khuya lạnh quá không chịu nổi, mình xin ôm bạn cho ấm. Bạn cười rộng rãi và bảo, tại mày không quen. Sao quen được? Lên đây nhiều lần sẽ quen. Lỡ quên cái cũ rồi sao? Chịu khó chạy qua chạy lại là quen mới mà không quên cũ. Ờ, để tao cắt dán bản đồ tỉnh Tiền Giang gần với Lâm Đồng mới thực hiện được chuyện mày bảo… Những câu thoại vô thưởng vô phạt có thể làm chủ nhà bực mình, nhưng cũng có thể họ cười vì bọn mình sao trẻ con vậy. Riêng mình thấy thật ấm cúng vì đã nói như những ngày xưa chúng ta thường nói như vậy .
Dần ơi!
Lúc này miền Tây đang là mùa nước nổi, những cơn mưa của cơn bão số 9 vẫn rào rạt quanh nhà. Dòng nước sông dẫn từng đoàn lục bình trôi tản mạn. Bong bóng mưa cứ hiện rồi vỡ liên hồi. Phía xa sau cơn mưa, ánh cầu vồng như cánh cổng thiên đường mở ngõ để đón nhận những chiếc bóng vỡ về trời .


Dần của chúng tôi cũng đã về trời sau cuộc dạo chơi ngắn ngủi, còn vương lại cho người thân những kỷ niệm êm đềm.


Hãy ngủ yên! Các bạn Lâm III sẽ còn kể cho bạn nghe những câu chuyện tuyệt vời !
Dần ơi!


Ngày mưa Tiền giang, 01/10/2009


Ngô Tấn Hùng



Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2009

Trường xưa







Trường Cao đẳng Lâm nghiệp thành lập năm 1978, nhiệm vụ đào tạo Kỹ sư Lâm nghiệp chủ yếu cho các tỉnh từ Quảng Trị đến Cà mau. Trường có 4 ngành: Lâm sinh, Chế biến Lâm sản, Cơ giới Lâm nghiệp và Kinh tế Lâm nghiệp.

Từ năm 1978 đến 1985 trường đào tạo gần 1.000 kỹ sư cho các tỉnh phía Nam. Các sinh viên của trường ngày trước nay đang đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong và ngoài ngành Lâm nghiệp.
- Hiệu trưởng : Lê Tám Lê Công Khanh


Tháng 10-1985, trường sáp nhập với trường Đại học Nông nghiệp 4 và trở thành trường Đại học Nông Lâm nghiệp.Trong thời gian tại Trảng Bom- Đồng Nai, trường đã hoàn tất đào tạo đến hết khóa 4, các khóa sau chuyển về ĐH Nông Lâm đào tạo tiếp.

Các Ban Giám hiệu của Trường :
Phòng Khoa học : Thầy Lương Văn Nhuận

- Hiệu phó : Thầy Chiếm Nguyễn Đình Thoại
Các Khoa phòng :
Khoa Lâm học :
- Chủ nhiệm Khoa : Thầy Mai Thứ (1979-1983),
Thầy Lương Văn Nhuận (1984 ...)
Trợ lý Khoa : Thầy Hoàng Văn Thân
Khoa Kinh tế :
- Chủ nhiệm Khoa : Thầy Trần Đinh
Phó Khoa : Thầy Huỳnh Tư
Khoa Cơ giới :
- Chủ nhiệm Khoa : Thầy Bên
Phó Khoa : Thầy Trần Văn Ngô
Khoa Chế biến :
- Chủ nhiệm Khoa : Thầy Các
Phó Khoa : Cô Huấn
Phòng Tổ chức : Ngô Khánh Quý Khách
Phòng Đời sống : Ô. Chất
Phòng Hành chính - Quản trị : Anh Huy
Trạm xá : BS. Tâm
Bí thư Đoàn Trường : Thầy Trang Bí thư Liên chi đoàn Khoa Lâm : Thầy Tân (chủ nhiệm Lâm B)






Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2009

Người của Trường







TS. Viên Ngọc Nam - Lâm 1

Sinh năm 1956 tại Sài Gòn. Năm 1983, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Lâm nghiệp Đồng Nai, anh về Sở Lâm nghiệp TPHCM công tác.
Giữ chức vụ trưởng phòng kỹ thuật Chi cục Phát triển Lâm nghiệp TPHCM (từ 1992 – 2005).

Anh là Hội viên Hiệp hội Quốc tế về hệ sinh thái rừng ngập mặn. Anh đi thỉnh giảng ở nhiều quốc gia như Malaysia, Nhật, Mỹ, Pháp.

Năm 2005, anh chuyển về giảng dạy tại Khoa Lâm nghiệp - Trường Đại học Nông lâm TPHCM.

Anh là tấm gương về sự tự học, từ một kỹ sư cao đẳng , học lên đại học, cao học, rồi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về lâm sinh.

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2009

Chiếc xe Zinc - đời tôi




Một lần Bộ Đại học về thăm trường, có nhận xét về cơ sở vật chất của trường : " ĐH Lâm nghiệp 1 (Đông Triều -Quảng Ninh ) nghèo hơn các đại học khác gấp 10 lần, còn trường của chúng tôi lại nghèo gấp 10 lần so với ĐH Lâm nghiệp 1 ".Tôi nhớ mãi những kỷ niệm về ngôi trường thân yêu của mình và khi đi vào giấc mộng về những cánh rừng bao giờ cũng có những chiếc xe Zinc thân thuộc đã đưa chúng tôi đi vào Long An, đi ra Bảo Lộc (Blao ), tham quan học tập TP.HCM ...

Bọn chúng tôi thường an ủi nhau : " Bọn mình là sang nhất thiên hạ", giữa thời buổi khan hiếm nhiên liệu ( thập niên 80), xe khách chạy bằng than đá chạy nhan nhản trên tuyến đường TP.HCM - Xuân Lộc và ngược lại ; thì các xe Zinc của trường chúng tôi chạy bằng xăng, nhiên liệu mắc tiền nhất. Có bạn không biết có thể sẽ bảo rằng : " Trường của mấy ông xài sang !". Tôi sẽ trả lời không do dự :" Không sang chút nào đâu bạn a ! .Nếu các bạn biết được những chiếc xe Zinc đa năng của chúng tôi. Mỗi tháng xe đã chở hàng tấn lương thực, thiếu chất đốt xe lại oằn mình chở hàng chục ster củi, tham quan, thực tập xe lại chất lên bản thân mình 40-50 sinh viên, vào ra khắp nẻo đường , mặc cho gió mưa, đường rừng lầy lội , ổ gà , ổ voi.

Khi lên xe cả bọn quây quần bên nhau , ca hát vui đùa, đứa vịn tay vào ca bin, thùng xe, không nắm được thùng xe thì vịn vào tay bạn , khi chúi nhủi, khi nghiêng ra sau vẫn cười nói, cảnh tượng ấy tôi không thể nào quên. Có lần, do bận việc xe không thể lên rước được, thế là cả lớp chúng tôi phải xếp hàng mua vé về trường. Xe có mui, ngồi ghế nệm nhưng tôi không tìm được cảm giác" đồng cam cộng khổ " trong suốt chặng đường từ Bảo Lộc về trường đầy nặng nhọc .


Ở mỗi trường, đều có những đặc điểm riêng, nhưng tôi tin rằng mình sẽ không bao giờ có được cảm giác khó quên đó khi học ở ngôi trường đại học khác . Cám ơn xe Zinc đã cho chúng tôi 60-70 anh em , mỗi người như một, không có sự ganh đua , chen lấn, cảm giác riêng ... mà chỉ có sự vui vẻ, chan hoà giúp chúng tôi xua đi những mệt mỏi toan tính... thường ngày .

Tình bạn










Một ngày cho công việc cực nhọc , một giờ cho thể thao, cả cuộc đời cho bạn bè ...vẫn còn quá ngắn ngủi
Obama

Có một định mệnh biến chúng ta thành anh em, không ai đi đường một mình, tất cả những gì chúng ta gửi vào cuộc đời của người khác sẽ quay trở về cuộc đời của ta.

Putin


Chúng ta không thể nói chính xác lúc nào tình bạn hình thành. Cứ nhỏ từng giọt nước vào ly, sẽ có một giọt nước làm tràn ly. Cũng vậy, trong mỗi chuỗi những điều dễ thương, tử tế , sẽ có một điều làm con tim tràn đầy .


Bill Clinton