Có lẽ do được học ở môi trường gian khổ , cộng với sĩ số lớp đông ( gần 70 người ) đã hình thành bản năng “ dân vận” không khác gì người lính, ở mỗi con người của lớp. Giống như hạt giống đang miên trạng chỉ cần gặp lúc trời mưa thì sẽ thức dậy và nảy mầm ngay.
Một Hùng “cậu” chân ướt, chân ráo tới Bưng Riềng đã có người chị nhận làm em nuôi, khi bị bệnh phải nằm viện ít ngày tại Xuyên Mộc đã có bà mẹ nuôi ( nuôi con trai cũng bị bệnh nằm viện chung ) , phải khó khăn lắm mới giải quyết êm thắm trước sự chăm sóc của người mẹ và người chị.
Một Bác Tư Triều ,sau một ngày đi rừng mệt nhọc, thấy 2 chị em ( con chị nuôi của bạn mình) đã hơn 18 giờ rồi mà còn lội bộ về nhà, sợ có gì bất trắc , đã không ngần ngại đưa hai chị em từ Bông Trang về tới Bưng Riềng, rồi ngay lập tức phải đi bộ từng ấy cây số, trên đoạn đường vắng tanh chỉ có ánh trăng làm bạn đường, trở về chổ ở nghỉ ngơi để ngày mai lại tiếp tục đi rừng. Còn rất nhiều con người và các chuyện các bạn đã thực hiện ở các nơi mà chúng tôi đã đi qua không kể hết được.
Thế nên, lớp chúng tôi có số khách đến thăm hơi bị nhiều ở trường lúc bấy giờ mặc dù thời ấy phương tiện đi lại khó khăn không tiện lợi như hiện nay. Khách là người thân trong gia đình đến thăm chỉ là chuyện nhỏ, mà còn có cả các vị khách quen “ thấy có bảnh không nào?” , họ đã thu xếp công ăn việc làm, đến thăm chúng tôi ,cùng san sẻ các bữa cơm đầy gian khó do các chị nuôi nấu cho sinh viên , không chỉ một ngày mà nhiều hơn thế, dù nơi đó chúng tôi chỉ đến một lần và trong thời gian ngắn.
Điều còn nuối tiếc của chúng tôi, đó là đã lỡ các cuộc hẹn , dài có..., ngắn có…..Nhưng dù sao đó vẫn là những kỷ niệm được dấu kín sâu lắng trong tâm hồn của những người trong cuộc.
Huỳnh Thanh Triều