CHÀO THÂN ÁI ! BÀI VIẾT, HÌNH ẢNH CỘNG TÁC CHO BẢN TIN : TRƯỜNG CŨ XIN GỬI VỀ ĐỊA CHỈ NHÓM THỰC HIỆN : loplam3@gmail.com

Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2010

Giấc mơ của tôi

       Hôm  qua tôi nằm mơ. Trong lúc mơ màng, tôi ngược thời gian, trở về thời quá khứ. Hình như đó là thời điểm những năm 1981 hay 1982 gì đó - cái thời đói khát nhưng đầy kỷ niệm yêu thương…
 
       Tôi nằm trên giường mà không sao ngủ được. Đói quá làm sao mà ngủ. Có lẽ đây là sự tái diễn lại của năm 1945 – cái năm là đồng bào ta chết 2 triệu người vì đói. Mà sao đói thế nhỉ? Hồi chiều tôi cũng đã được ăn 2 chén cơm và một con cá trích của lão Tư Ân kho kia mà. Vậy mà bụng tôi cứ cồn cào, cồn cào… Sau này tôi mới biết lịch sử có ghi lại nạn đói đã từng xảy ra vào thời kỳ này.
      Khuya lắm rồi, có ai đó vẫn còn thức. Có tiếng nói chuyện. Hình như có một nhóm người đang âm mưu làm một cái gì đó thì phải - xầm xì và lục đục. Tôi đẩy nhẹ cửa dòm ra ngoài. À! Thì ra một bọn trộm mới đi đánh quả về. Chúng đang sung sướng hưởng thành quả, xúm nhau lột mì. Nhân dân Trảng Bom vào thời kỳ đó khốn khổ vì nạn trộm này. Hồi đó tại sao người ta không ai gọi bọn này là “MÌ TẶC” như bây giờ nhỉ. Bây giờ cái gì cũng tặc: Lâm tặc, sa tặc, hải tặc, thuỷ tặc… Chính quyền hoàn toàn bất lực. Có nhiều cuộc họp khẩn cấp để bàn và giải quyết vấn đề này nhưng đều không có hiệu quả. Bọn trộm này ghê gớm lắm…
      Tôi quay trở lại giường nằm và ngẫm nghĩ về  cái sự đời. Tôi nhớ như in lời dạy của ba tôi là đừng trộm cắp của ai, nhặt được của rơi phải trả lại cho người mất. Mì người ta trồng khổ cực mà bọn chúng nhổ trộm về ăn. Phải tố cáo bọn này thôi. Nhưng mà nghĩ lại lỡ bọn chúng nói mua của ai đó thì sao nhỉ. Không thể là mua được vì giờ này có ai bán đâu. Mà bọn chúng đều nghèo kiết xác như tôi thì làm gì có tiền mà mua.
       Xèo! bọn chúng xắt mì thành từng cục nhỏ và đổ vào xoong mở nóng. Trời ơi! Sao mà thơm thế. Chúng đổ cả xô nước vào và chờ đợi…
      Nhất  định phải cho chúng biết thế nào là đạo đức ở đời và tôi bước ra. Một thằng trong nhóm nói: “Ủa Bình chưa ngủ hả, lấy chén làm một chén cho vui”. Trời ơi, bọn này ăn trộm cho vui chứ không phải vì đói. Không được. Tôi nhớ lại bài thơ “Con cá, chột nưa” của nhà thơ Tố Hữu: “…Không thể gì quyến rủ. Mua bán được lương tâm…”. Tôi sẽ không ăn đâu.
      Một chén mì được múc đầy và đưa cho tôi (Tôi không thể không bưng vì nó đưa trong đêm tối, trăng sáng  lờ, nếu không bưng có thể sẽ đổ lên mình và bị phỏng thì khốn). Bưng chén mì mà tư tưởng tôi đảo lộn lung tung. Ăn hay không đây? Mà sao thơm thế nhỉ? Có khi trong nồi có cả con gà bự cũng nên. À mà chắc gì bọn nó ăn trộm, biết đâu nó mua hoặc của ai cho nó hồi chiều thì sao? Bọn này ngoại giao với dân giỏi lắm. Nếu đây là mì có nguồn gốc sạch thì tôi đã vô tình phủ nhận một lời mời hết sức chân thành mang đầy bản sắc văn hóa dân tộc này. Ban ngày, tụi nó sống chan hoà, chân thật, lẽ nào chúng lại có những hành vi vô đạo đức thế. Thôi được, cứ thử đi… Tôi múc miếng mì bỏ vào miệng. Ôi! Sao mà ngon thế, đất nước Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến đã sinh ra tổ tiên tôi, ai đã phát minh ra món ăn ngon như thế này nhỉ? Ngày nay các nhà hàng không thể biết chế biến món ăn này để phục vụ cho thực khách, nhất là khách du lịch đâu. Một thiếu sót lớn vô cùng. Rồi đây nó sẽ bị mai một và con cháu chúng ta không bao giờ được thưởng thức món ăn đầy tính dân tộc này nữa.
      Ăn xong vô giường nằm, tôi lại suy nghĩ lung tung, nghĩ tới tình bằng hữu bao la. Bữa ăn vừa rồi tôi có làm gì đâu vậy mà cũng được một bữa no nê. Như vậy là không công bằng. Tôi phải làm gì đó chứ. Ít ra cũng phải xách được một xô nước. Tôi thật ích kỷ…
      Vì  thế, mấy ngày sau tôi cùng tham gia với chúng nó đi nhổ mì. Tôi được chúng nó giải thích là đang sử dụng biện pháp nông học để cây mì phát triển. Mình tỉa thưa mì để mì được to củ, năng suất cao, giúp người dân Trảng Bom có thêm thu nhập, từ đó có thể vượt nghèo. Tôi học lâm học, có biết gì về nông học đâu. Nhưng chắc tụi nó nói đúng, nên chúng tôi đã say sưa tỉa thưa mỗi đêm. Mà sao nó tỉa nhiều thế nhỉ, tỉa như vậy thì thưa quá. Đám mì chỉ còn khoảng mươi, mười lăm cây. Đứng giữa đám mì mà cứ tưởng đứng giữa sân bóng đá, nắng muốn cháy da đầu. Nếu bọn con gái mà trốn vào đám mì để đá banh thì cũng như bước lên sân khấu vậy – trống huơ, trống hoắc…
      Sau này tôi mới hiểu là chúng nó nói đúng. Không đúng sao được, vì thực tế nhân dân Trảng Bom đã thoát nghèo thực sự. Nếu có ai đó có dịp đi qua Trảng Bom sẽ thấy nhân dân Trảng Bom ngày nay không còn nghèo như xưa nữa. Không ngờ những con người có gốc gác từ nông dân ấy có một tầm nhìn thời đại. Mới 20 tuổi đã biết lo cho dân, lo cho tương lai của dân tộc như vậy…
      Các bạn ơi, đó là một trong những kỷ niệm đẹp, đã nhẹ nhàng đi qua cuộc đời của tất cả chúng tôi. Tôi yêu tất cả người bạn của tôi. Những người đã ra đi và những người còn ở lại. Những tên trộm dễ thương đã biết đoàn kết, yêu thương lẫn nhau và đã cho tôi một giấc mơ tuyệt đẹp./.
        Nguyễn Văn Bình
      (ĐT: 0982.834.575)

Không có nhận xét nào: